NGHỆ VÀNG LOẠI THẢO DƯỢC QUÝ ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Từ ngàn xưa, khi chưa có các loại thuốc trị bệnh được sản xuất bằng các chất hóa học mà chúng ta quen gọi là thuốc Tây, thì con người vẫn có các phương pháp để phòng chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe rất công hiệu đặc biệt là việc sử dụng các thảo dược từ thiên nhiên.

Việt Nam chúng ta có một tiềm năng to lớn về tài nguyên d­ược liệu nói chung và tài nguyên cây thuốc nói riêng. Theo điều tra, hiện nay chúng ta đã xác định được tới hơn 5000 loài dược liệu  có thể  sử dụng làm thuốc, trong đó Nghệ vàng là một trong những loại cây thuốc đã được nhân dân ta sử dụng từ  rất  lâu đời và  phổ biến.

Nghệ vàng là loại thuốc được sử dụng từ lâu đời trong dân gian

Từ thế kỷ thứ 13, người làng Lỗ Xá (Hưng Yên) đã trưng cất tinh nghệ để điều trị vết thương cho binh sĩ nhà Trần. Năm 1261, Viện thái y của nhà Trần đã tổ chức đi thu hái nghệ vàng và các thảo dược ở núi Yên Tử.

Để cung cấp thuốc cho quân đội, Phạm Ngũ Lão đã tổ chức trồng nghệ và các thảo dược ở Phả Lại, lập ra vườn thuốc Vạn An và Dược Sơn thuộc xã Hưng Đạo huyện Chí Linh, Hải Dương ngày nay.

Các thái y của triều đình nhà Nguyễn đã có bài thuốc trị bỏng rất công hiệu mà thành phần chính từ tinh nghệ

Trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư Đỗ Tất Lợi viết: “Nghệ vị cay, đắng, tính ôn vào 2 kinh can và tỳ. Nghệ có tác dụng phá ác huyết, huyết tích, kim sang và sinh cơ (lên da) chỉ huyết. Nghệ thường được dùng trong bệnh đau dạ dày, vàng da, phụ nữ sau sinh nở đau bụng”.

Nghệ vàng được dùng để điều trị đau dạ dày hiệu quả

Nghệ vàng không những được sử dụng phổ biến ở Việt Nam mà còn được sử dụng rất lâu đời ở các nước khác, đặc biệt là các nước Châu Á như: Ấn độ, Trung quốc, Indonexia…Vì vậy, các công trình khoa học nghiên cứu về tác dụng của cây nghệ đối với sức khỏe được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới từ rất sớm.

Vào năm 1815, hai nhà khoa học Vogel & Pelletier đã lần đầu chiết tách được một hoạt chất có màu vàng từ củ nghệ. Gần 100 năm sau – năm 1910, Milobedzka mới xác định được thành phần, cấu trúc hóa học của chất này bao gồm hỗn hợp của 3 chất có cấu trúc Diferuloylmethan và đặt tên là Curcuminoid hay còn gọi chung là Curcumin. Nhờ sự phân lập và xác định được cấu trúc  hóa học của hoạt chất này trong cây nghệ, đồng thời nghiên cứu những tác dụng y sinh học của chúng, người ta đã ngày càng phát hiện và  khám phá ra nhiều tác dụng của tinh chất nghệ vàng Curcumin đối với sức khỏe, từ đó mở ra  một thời kì mới trong việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên về dược liệu là cây nghệ vàng để phục vụ cho việc phòng và chữa bệnh .

Công thức hóa học của Curcumin

Năm 1933, các nhà khoa học Pháp đã chứng minh được hoạt chất Curcumin trong củ nghệ vàng có tính chất kích thích sự bài tiết mật của các tế bào gan.

Năm 1972 các nhà khoa học Ấn Độ chứng minh Curcumin có tác dụng chống tăng đường huyết đối với bệnh tiểu đường.

Từ năm 1973- năm 1992 các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ -Nhật đã chứng minh curcumin có tác dụng chống viêm. chống thấp khớp, chống Oxy hóa,và kháng khuẩn,

Từ Năm 1992 đến năm 2000 các nhà khoa học Ấn Độ – Mỹ đã công bố các công trình nghiên cứu chứng minh Curcumin có tác dụng chống ung thư và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Năm 2003 các nhà khoa học Mỹ chứng minh Curcumin chống co thắt động mạch vành và phòng ngừa tai biến mạch máu não.

Từ thực tiễn kinh nghiệm dân gian cho đến các công trình nghiên cứu khoa học, trải qua nhiều thập kỷ chúng ta không những hiểu biết về giá trị của cây Nghệ vàng  qua kinh nghiệm sử dụng mà còn có đầy đủ căn cứ, cơ sở  khoa học đã được chứng minh qua hàng trăm công trình nghiên cứu trên thế giới. Đặc biệt, sau khi phân lập và tách chiết được hoạt chất Curcumin lại càng khẳng định được vai trò to lớn của cây Nghệ vàng trong việc chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh tật.